Đái tháo đường ( bệnh tiểu đường ) có thể gặp ở bất cứ độ tuổi nào từ trẻ em đến người già. Ở mỗi đối tượng khác nhau thì có những biện pháp điều trị phù hợp với từng đối tượng. Bài viết này sẽ đề cập đến bệnh tiểu đường ở người cao tuổi để xem cách trị bệnh tiểu đường ở độ tuổi này như thế nào là tốt nhất?
Tỉ lệ đái tháo đường ở người lớn tuổi ngày càng gia tăng. Kèm theo nguy cơ biến chứng tim mạch ở bệnh nhân đái tháo đường lớn tuổi cao hơn ở người trẻ. Thường ở đối tượng này hay có nhiều bệnh lý mạn tính do đó phải dùng nhiều loại thuốc và họ cũng hay có suy giảm nhận thức, trầm cảm, khuynh hướng dễ bị ngã. Bệnh lý tim mạch là nguyên nhân tử vong hàng đầu ở người già đái tháo đường. Do người lớn tuổi có những đặc điểm riêng nên cần chú ý khi chọn lựa điều trị đái tháo đường cho bệnh nhân lớn tuổi.
Bệnh tiểu đường ở người cao tuổi
Các nguyên nhân làm tăng tỉ lệ mắc đái tháo đường ở những người cao tuổi là những thay đổi về chuyển hóa glucose, do rối loạn tiết insulin và kháng insulin tăng lên theo tuổi, do người cao tuổi thường phải dùng nhiều loại thuốc có ảnh hưởng đến đường máu, do lối sống tĩnh tại ít hoạt động và do họ thường có béo phì hoặc thừa cân.
Trước khi điều trị, người bệnh cần được bác sĩ đánh giá về tình trạng hệ tim mạch, hô hấp và cơ xương… để đưa ra chế độ luyện tập hợp lý.
Nói chung tất cả các loại thuốc đái tháo đường đều có thể dùng ở người lớn tuổi, nhưng đều có những hạn chế. Do đó khi chọn cần phải tùy đặc điểm bệnh nhân và các bệnh lý đi kèm. Nguyên tắc chung khi dùng thuốc là khởi đầu liều thấp và tăng liều chậm.
– Các biện pháp điều trị không dùng thuốc như thay đổi chế độ ăn, tập thể dục đều đặn, phấn đấu giảm cân… cần phải được áp dụng đầu tiên và liên tục.
– Mục tiêu điều trị đái tháo đường ở người cao tuổi là nhằm làm giảm các triệu chứng của đường máu cao (như mệt, khát nước nhiều, đái nhiều…), phòng ngừa nguy cơ bị nhiễm trùng và các biến chứng cấp tính như hôn mê do đường máu quá cao.
– Khi mới bắt đầu điều trị bằng thuốc, các bệnh nhân đái tháo đường cao tuổi phải kiểm tra đường máu thường xuyên cả trước, sau bữa ăn và có thể cả trước lúc đi ngủ… ngay cả khi BN không hề có biểu hiện bị hạ đường máu.
– Nhìn chung các bệnh nhân cao tuổi có thể dùng được hầu hết các loại thuốc điều trị hạ đường máu tuy nhiên bắt buộc phải khám bệnh kỹ lưỡng và làm các xét nghiệm đánh giá đầy đủ chức năng gan, thận, tim… trước khi quyết định điều trị.
Đái tháo đường là một bệnh có vẻ không có gì trầm trọng thế nhưng các biến chứng của nó lại hết sức trầm trọng. Tuy nhiên chúng ta hoàn toàn có thể phòng ngừa và phát hiện được sớm các biến chứng để đảm bảo cuộc sống bằng việc thực hiện các nguyên tắc như: thường xuyên, liên tục và kiên trì theo dõi đường huyết, bảo đảm thực hiện đúng chế độ ăn uống, năng tập luyện thể dục thể thao để duy trì cân nặng lý tưởng, cần thực hiện kiểm tra sức khỏe định kỳ để tầm soát và phát hiện sớm những biến chứng.
Join the Discussion!